Thách thức đào tạo nguồn nhân lực của các doanh nghiệp Đông Nam Á.

Hầu hết các doanh nghiệp Đông Nam Á đang thừa nhận rằng việc đưa nhân viên lên “con tàu” chuyển đổi số của họ đang gặp nhiều khó khăn. 

Với dân số trẻ và trình độ học vấn tốt, lực lượng lao động của các nước Đông Nam Á đang trở thành những thành viên xuất sắc của lực lượng lao động khu vực. Tuy nhiên, vẫn còn đó những thách thức đáng kể trong việc đào tạo lực lượng lao động này tiếp cận quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp. 

Một cuộc khảo sát gần đây của Oxford Economics do SAP ủy quyền thực hiện với 600 giám đốc điều hành cấp cao tại các nền kinh tế chủ chốt trên khắp ASEAN cho thấy, các công ty Đông Nam Á biết cách chuyển đổi số, nhưng họ không có khả năng thích ứng như mong muốn. 

Những người tham gia khảo sát được hỏi, điều gì cản trở họ tận dụng công nghệ, số hóa và tự động hóa nói riêng để cải thiện hoạt động và kết quả kinh doanh của họ. Kết quả được Oxford Economics đưa ra, cho thấy có bao nhiêu doanh nghiệp vẫn đang vật lộn với mục tiêu trở nên hoàn toàn số hóa để trở nên linh hoạt hơn và thích ứng hơn với những thay đổi của thị trường. Đồng thời, những phản hồi này cũng cho thấy có bao nhiêu tổ chức vẫn còn ngần ngại đầu tư vào chuyển đổi số và nỗ lực đủ để đẩy nhanh quá trình số hóa. 

Theo đó, có đến 43% doanh nghiệp phản hồi rằng họ đang thiếu công nghệ phân tích, có đến 40% doanh nghiệp cho rằng họ thiếu lực lượng lao động có năng lực và động lực, có 38% doanh nghiệp phản hồi thiếu dữ liệu đầy đủ và 33% doanh nghiệp cho rằng họ khó khăn trong việc mở rộng quy mô để tăng trưởng. Rõ ràng, những phản hồi này cho thấy quá trình chuyển đổi số không hề dễ dàng như vẻ bề ngoài, ngay cả đối với lực lượng lao động tương đối trẻ của Đông Nam Á. 

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực cho biết, một trong những thách thức đáng chú ý trong việc đào tạo nhân viên tại các công ty của Đông Nam Á là sự “không phù hợp giữa công việc và kỹ năng”. Có rất nhiều nhân viên tiềm năng trên khắp khu vực, nhưng bộ kỹ năng của họ có thể không phù hợp với các vị trí tuyển dụng. 

Một báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy, mức độ không phù hợp về công việc ở một số quốc gia Đông Nam Á. Ví dụ, ở Campuchia, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam, sự không phù hợp về trình độ trung bình ở mức khoảng 0,4. Theo ILO, khoảng 40% người xin việc ở các quốc gia này được cho là không đủ hoặc thừa trình độ cho các vị trí công việc đang tuyển dụng. 

  

Sự không phù hợp giữa công việc và kỹ năng này là vấn đề, nó khiến nhân viên ít nhiệt tình hơn với việc đào tạo. Do đó, họ trở nên kém năng suất và ít gắn bó hơn với nơi làm việc. Như ILO mô tả về tác động của sự không phù hợp: “sự không phù hợp giữa kỹ năng có hậu quả tiêu cực đối với năng suất và khả năng cạnh tranh”. 

Nhìn chung, các nền kinh tế Đông Nam Á vẫn đang ở giai đoạn trẻ và trải qua sự tăng trưởng lành mạnh đáng mơ ước. Tuy nhiên, sự gián đoạn do COVID-19 vừa qua đã chứng minh rõ ràng rằng các nước trong khu vực còn nhiều chỗ cần phải cải thiện về chất lượng nguồn nhân lực. 

Theo các chuyên gia phân tích, với các chương trình đào tạo nhân viên phù hợp, việc thích ứng với nền kinh tế hiện đại ngày càng số hóa không phải là một nhiệm vụ quá khó khăn. Một kế hoạch đào tạo được thiết kế chu đáo, cùng với các công cụ và hệ thống ứng dụng công nghệ, có thể dễ dàng giải quyết những thách thức trong việc đào tạo nhân viên để làm việc tốt với các nỗ lực chuyển đổi số đang diễn ra của các công ty Đông Nam Á trong tương lai. 

 

Nguồn: Tạp chí diễn đàn Doanh Nghiệp. 

Related Posts